Tổ chức lại doanh doanh nghiệp còn gọi lá tái cấu trúc doanh nghiệp hoặc cải tổ doanh nghiệp là nhu cầu khá phổ biến trong quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây là biện pháp quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu hoặc hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường.
Các phương thức tổ chức lại doanh nghiệp
Các phương thức tổ chức lại doanh nghiệp được quy định cụ thể từ Điều 192 đến Điều 199 Luật doanh nghiệp 2014:
- Chia doanh nghiệp
Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới trong một trong các trường hợp sau đây:
a) Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;
b) Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới;
- Tách doanh nghiệp
Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.
- Hợp nhất doanh nghiệp
Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
- Sáp nhập doanh nghiệp
Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.