Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và chính thức có hiệu lực vào 1/7/2020. Trong đó có nhiều điểm mới trong quy định ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế. Dưới đây là 10 điểm mới của Luật Quản lý thuế 2019 được Phúc Hưng tổng hợp để kế toán và doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt.
- Bổ sung về cơ quan quản lý Thuế
Khoản 2, Điều 2 Luật Quản lý thuế 2019 có nêu:
Cơ quan quản lý thuế bao gồm:
a) Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;
b) Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.
Như vậy, Luật đã bổ sung thêm Chi cục Thuế khu vực vào danh sách cơ quan quản lý thuế. Quy định này phù hợp với thực tiễn do hiện nay nhà nước đã và đang tiến hành việc sáp nhập một số Chi cục Thuế thành các Chi cục Thuế khu vực.
- Bổ sung nội dung quản lý thuế
Nội dung quản lý thuế được quy định tại Điều 4, trong đó có bổ sung thêm 3 nội dung quản lý như sau:
Quản lý hóa đơn, chứng từ;
Hợp tác quốc tế về thuế;
Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế
- Mở rộng trách nhiệm trong Hợp tác quốc tế về thuế
Tại Điều 12 quy định về hợp tác quốc tế về thuế của cơ quan quản lý thuế. Trong đó có bổ sung thêm trách nhiệm “Thực hiện các biện pháp hỗ trợ thu thuế theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bao gồm:
– Đề nghị cơ quan quản lý thuế nước ngoài và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hỗ trợ thu thuế tại nước ngoài đối với các khoản nợ thuế tại Việt Nam mà người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp khi người nộp thuế không còn ở Việt Nam;
– Thực hiện hỗ trợ thu thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế nước ngoài đối với các khoản nợ thuế phải nộp tại nước ngoài của người nộp thuế tại Việt Nam bằng biện pháp đôn đốc thu nợ thuế”.
- Về thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế
Quy định cũ: Điều 22 Luật quản lý thuế 2006 quy định:
Đối tượng đăng ký thuế phải đăng ký thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày:
+ Được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư;
+ Bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc hộ gia đình, cá nhân thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;….
Quy định mới: Điều 30 Luật quản lý thuế 2019 quy định:
Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp MST trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
- Kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN
Quy định cũ: Khoản 2 Điều 32 Luật Quản lý thuế 2006 quy định:
Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thức năm dương lịch, hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán năm.
Quy định mới: Điểm b khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 cho phép:
Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế
Như vậy, Luật Quản lý thuế 2019 đã kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN thêm 01 tháng so với Luật Quản lý thuế 2006. Quy định này áp dụng với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.
- Mở rộng quyền của người nộp thuế
Điều 16 của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định 14 quyền của người nộp thuế. So với quy định cũ thì quyền của người nộp thuế được mở rộng như sau:
Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.
Được nhận quyết định xử lý về thuế, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, được yêu cầu giải thích nội dung quyết định xử lý về thuế;
Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế
- Quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Với sự phát triển và mở rộng của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thì việc xây dựng, ban hành các quy định về Quản lý thuế trong lĩnh vực này là điều cần thiết.
Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 quy định: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Mặc dù đây chỉ là nội dung mang tính chất định hướng nhưng đóng vai trò nhất định và là tiền đề quan trọng để ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
- Bổ sung dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do đại lý thuế cung cấp
Theo điểm c khoản 1 Điều 104 Luật Quản lý thuế 2019 thì dịch vụ do đại lý thuế cung cấp cho người nộp thuế theo hợp đồng bổ sung thêm: Dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại Điều 150 của Luật này. Doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.